truong mam non quan binh thanh

Giờ mở cửa

Thứ 2 - Thứ 7
(7:00am - 5:00pm)
truong mam non quan binh thanh

Liên hệ

0964888674 (Miss, Hà)

Sức khỏe

SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ EM

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CHỮA TRỊ

GS.TS.BS Hoàng Trọng Kim

Chủ tịch Hội Nhi khoa TP.HCM

Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa VN

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi ĐHYD TPHCM

 BSCK2 Nguyễn Thị Hoa

Trưởng khoa Dinh dưỡng BVNĐI Viết riêng cho Trường Mầm Non Ánh Sao

Suy dinh dưỡng là tình trạng chậm phát triển thể chất, ảnh hưởng xấu lên sự phát triển trí tuệ, do chế độ ăn không đủ chất và lượng kéo dài so với nhu cầu phát triển của trẻ.

Trước đây, chúng ta thường cho rằng suy dinh dưỡng chỉ xảy ra khi kinh tế khó khăn, cha mẹ quá nghèo, không có khả năng cho con ăn uống đầy đủ, nhưng hiện nay, dù điều kiện kinh tế đã khá hơn, đồi sống xã hội đã được cải thiện, nhưng tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn còn nhiều, nhất là ở các vùng núi, các xã nghèo. Tỷ lệ suy dinh dưỡng chung trong cả nước vẫn còn khoảng 20%. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, là trung tâm văn hóa, kinh tế xã hội cao nhất nước, mà theo điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng, trong năm 2010, vẫn còn 6,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, có nghĩa là trong 100 trẻ thì có 7 trẻ bị suy dinh dưỡng. Đa số những trẻ suy dinh dưỡng là con của các hộ nghèo, nhưng có  nhiều gia đình khá giả nhưng con vẫn bị suy dinh dưỡng. Điều này đã làm các bậc phụ huynh rất lo lắng. Tại sao như vậy?  Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân của suy dinh dưỡng và cách phòng ngừa.

Suc khoe tai Truong mam non anh sao Binh Thanh

Nguyên nhân của suy dinh dưỡng

1.Trẻ ăn không đủ lượng và chất so với nhu cầu hoạt động và phát triển của trẻ trong
một thời gian dài. Những tình trạng liên quan tới nguyên nhân này là:

-Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ,

-Trẻ được nuôi bằng các loại sữa không đủ chất đạm như sữa đặc có đường, sữa không
rõ nguồn gốc, sữa kém chất lượng nhiều đường, nhiều bột nhưng ít sữa..

-Pha sữa không đúng: quá đặc hay quá loãng,

-Nuôi trẻ bằng nước cháo hoàn toàn hoặc pha sữa bằng nước cháo,

-Cho trẻ ăn dặm không đúng cách như trẻ không được ăn xác thức ăn khi ăn bột, cháo,
cơm, chỉ ăn nước như nước hầm xương, nước rau củ,

-Cho trẻ ăn kiêng quá mức như kiêng ăn dầu mỡ, không ăn rau xanh, không ăn thịt, cá,
không ăn trứng…

2.Trẻ biếng ăn kéo dài

3.Trẻ bệnh đường tiêu hóa hoăc các bệnh nặng khác như bệnh tim bẩm sinh, bệnh nhiễm
trùng năng…làm cho trẻ  không ăn được hoặc ăn không tiêu hoặc không hấp thu được
các dưỡng chất…

Hậu quả của suy dinh dưỡng không chỉ là trẻ ốm yếu nhẹ cân hôm nay, mà sau này khi lớn lên trẻ sẽ là một người lớn bị thua thiệt về nhiều mặt: về thể chất thì thấp lùn; về miễn dich thì có sức đề kháng kém, rất dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn như viêm hô hấp, tiêu chảy, lao…về trí tuệ thì giảm trí thông minh do não phát triển kém vì thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu, ngoài ra về mặt tâm lý thì với một thân hình thấp lùn, dáng dấp còi cọc, không cao lớn hiên ngang trẻ sẽ bị mặc cảm, kém tự tin và khó thành công trên đường đời.

Chính vì nhiều hậu quả tai hại kể trên, mà cần phải phòng ngừa để trẻ không bị suy dinh dưỡng, mà nếu trẻ đã lỡ bị suy dinh dưỡng rồi thì phải phát hiện sớm để điều trị kịp thời hầu giúp trẻ mau phục hồi, nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng như một trẻ bình thường để giúp trẻ có một tương lai tốt đẹp.

Phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ qua từng giai đoạn:

-Khi trẻ còn trong bụng mẹ: Giai đoạn phát triển trong bào thai là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Tầm vóc và số lượng tế bào thần kinh của một người khi trưởng thành phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển trong giai đoạn bào thai và những năm đầu đời. Do đó, muốn trẻ sinh ra khỏe mạnh, thông minh thì trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Vì vậy, mẹ phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong thời gian mang thai, nếu không trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai tức là khi sinh ra trẻ bị nhẹ cân, cân nặng dưới 2.500g. Muốn phòng ngừa suy dinh dưỡng bào thai mẹ cần chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi mang thai. Khi có thai mẹ cần phải ăn uống đủ lượng và chất, phải ăn đủ 4 nhóm thức ăn (đạm, mỡ, đường, sinh tố, khoáng chất và vi chất). Tốt nhất là mỗi ngày nên ăn thêm 1 bữa và uống thêm 1 ly sữa để bảo đảm cho mẹ tăng 10-12kg khi có thai. Khi có thai mẹ phải đi khám thai và khám sức khỏe tổng quát, uống thuốc xổ lãi, uống chất sắt để chống thiếu máu, uống canxi phòng thiếu canxi, chích ngừa uốn ván… đặc biệt là trước khi có thai mẹ phải chích ngừa rubella. Trong thực tế chúng ta đã gặp nhiều trường hợp rất thương tâm, vì mẹ không chủng ngừa, nên đã có rất nhiểu trẻ bị rubella bẩm sinh rất nặng với nhiều khuyết tật mà trẻ phải mang suốt đời như chậm phát triển thần kinh, điếc, mù, tim bẩm sinh …

-Khi trẻ được sanh ra: tốt nhất là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng. Nếu không có sữa mẹ thì phải nuôi trẻ bằng sữa công thức phù hợp với trẻ, tức là loại sữa dành riêng cho trẻ (gọi là sữa thay thế sữa mẹ). Lưu ý là phải pha sữa đúng chỉ dẫn ghi trên hộp sữa (không cho thêm đường, thêm bột vào sữa, không pha sữa bằng nước khoáng, nước rau…).

-Ăn dặm đúng thời điểm: Nếu trẻ đang bú mẹ, mẹ không phải đi làm, mẹ có nhiều sữa và trẻ lên cân đều, lên cân hơn 500g mỗi tháng, thì thời điểm tốt nhất cho trẻ tập ăn dặm là lúc trẻ tròn 6 tháng tuổi. Trong các trường hợp khác như trẻ bú mẹ nhưng lên cân dưới 500g / tháng, hoặc trẻ bú bình thì nên ăn dặm khi trẻ tròn 4 tháng tuổi. Không nên ăn dặm quá sớm trước 4 tháng dễ gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngược lại, trẻ ăn dặm quá muộn sau 6 tháng trẻ tăng trưởng chậm, đứng cân và rất khó tập cho trẻ ăn thức ăn dặm. Về mặt dinh dưỡng thì từ 6 tháng trở lên, để phát triển tốt, trẻ rất cần nhiều thức ăn khác đa dạng hơn là sữa.

-Khi cho trẻ ăn dặm, thì bữa ăn của trẻ phải đủ chất và lượng. Cho trẻ ăn cả xác thực phẩm ngay từ khi bắt dầu ăn dặm. Một chén bột (cháo) của trẻ luôn phải đủ 4 nhóm thực phẩm: bột, đạm, dầu, rau…

-Không cho trẻ ăn cơm quá sớm trước 2 tuổi vì trẻ chưa có răng hàm nên chưa nghiền nát thức ăn được làm trẻ dễ rối loạn tiêu hóa.

-Khi trẻ trên 2 tuổi đã có thể ăn thức ăn cứng như cơm, bánh mì, phở…thì vẫn phải trộn dầu ăn vào thức ăn cho trẻ và vẫn phải cho ăn các bữa phụ đủ chất dinh dưỡng.

-Trẻ dưới 3 tuổi phải  uống  vitamin A theo chương trình Dinh dưỡng quốc gia: mỗi 6 tháng vào các ngày 1- 2 tháng 6 và 1-2 tháng 12 hàng năm để phòng chống thiếu Vitamin A và tăng sức đề kháng cho trẻ.

-Chích ngừa đầy đủ và giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh nhiễm trùng vì nhiễm trùng là một nguyên nhân gây suy dinh dưỡng của trẻ.

– Khi trẻ bị bệnh, phải được khám bệnh và điều trị ở Bác sĩ Nhi khoa, trừ một vài trường hợp đặt biệt do bác sĩ chỉ định ăn kiêng, ngoài ra vẫn cho trẻ ăn uống bình thường, không được kiêng cữ quá mức, ví dụ như kiêng ăn dầu mỡ khi tiêu chảy, kiêng ăn trứng khi ho…

Những dấu hiệu sớm giúp phát hiện trẻ có nguy cơ bị SDD:

-Trẻ biếng ăn, biếng bú, khó ngủ, quấy khóc.

-Trẻ chậm tăng trưởng: đứng cân, sụt cân, chậm phát triển chiều cao, đường biểu diễn cân nặng trên biểu đồ tăng trưởng của trẻ nằm ngang hay đi xuống trong một tháng với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi hoặc trong 3 tháng với trẻ từ 1-3 tuổi.

-Da trẻ xanh xao do thiếu máu, nhăn nheo do mất lớp mỡ dưới da. Trẻ có thể bị viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng: lưỡi đỏ, loét khóe miệng.

-Tóc trẻ khô, dễ gãy, dễ rụng, tóc mỏng, tóc bạc màu.

-Cơ bắp tay bắp chân bị nhão. Bụng chướng to do cơ thành bụng mỏng.

-Trẻ bị quáng gà như dễ vấp ngã khi chiều tối, mắt mờ, khô mắt.

-Nhiễm trùng tái diễn: ho kéo dài, hay bị rối loạn tiêu hóa  như ói và tiêu chảy.

– Chậm phát triển tâm thần vận động: chậm mọc răng, chậm đi, chậm nói, sợ người lạ, khó tiếp xúc, hay quấy khóc. Buồn bực, kém linh hoạt, dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, khó ngủ, khóc đêm…)

Điều trị:

Khi trẻ đã bị SDD thì các bà mẹ cần phải đưa con tới các phòng khám chuyên khoa Nhi và chuyên khoa Dinh dưỡng để trẻ được bổ sung thuốc và theo dõi những triệu chứng, biến chứng của bệnh SDD đảm bảo sự phục hồi tốt nhất cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ trẻ phải giữ các nguyên tắc chung khi chăm sóc trẻ SDD tại nhà như:

-Tăng đậm độ năng lượng của thức ăn bằng cách cho thêm dầu ăn vào bột, cháo, cơm, canh vì dầu mỡ giúp trẻ ăn ngon miệng và có năng lượng cao nên trẻ ăn ít mà vẫn có nguồn năng lượng cao giống như ăn nhiều.

-Cho trẻ uống sữa năng lượng cao: Trung bình 1 lít sữa cung cấp 670 Kcal nhưng Sữa năng lượng cao thì cung cấp 1000Kcal trong 1 lít. Như vậy trẻ uống 1 ly sữa năng lượng cao bằng uống 1 ly rưỡi sữa bình thường.

-Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày: Ăn bữa phụ sau khi ăn bữa chính hoặc thêm bữa tối trước khi ngủ.

-Bổ sung vitamin và vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.

-Khi trẻ đã bị SDD nặng: bắt buộc phải nhập viện để điều trị vì bệnh này rất dễ tử vong.

Chúc các bà mẹ thành công trong việc chăm sóc trẻ, phòng ngừa SDD và chữa trị SDD cho trẻ đúng cách.

truong mam non quan binh thanh

Bé đến trường

Trẻ ở lứa tuổi mầm non chủ yếu là hoạt động vui chơi và rèn luyện các kỹ năng sống. Cho nên việc thực hiện các mục tiêu giáo dục cho các lứa tuổi là cần thiết, Trường mầm non Ánh sao thực hiện việc giáo dục bé điều thông qua các mục tiêu giáo dục của các lứa tuổi như sau... Xem thêm
truong mam non quan binh thanh

Thông Minh

Chương trình đào tạo “Kỹ năng sống cho trẻ mầm non ” là một chương trình đào tạo rất đặc biệt, nội dung chương trình bám vào hai vấn đề hết sức cần thiết cho trẻ đó là “giá trị sống” và “kỹ năng sống” nhằm xây dựng vẻ đẹp tâm hồn, phẩm cách con người... Xem thêm
truong mam non quan binh thanh

Mạnh khỏe

Suy dinh dưỡng là tình trạng chậm phát triển thể chất, ảnh hưởng xấu lên sự phát triển trí tuệ, do chế độ ăn không đủ chất và lượng kéo dài so với nhu cầu phát triển của trẻ. Trước đây, chúng ta thường cho rằng suy dinh dưỡng chỉ xảy ra khi kinh tế khó khăn, cha mẹ quá nghèo... Xem thêm
Copyright © 2023 - Trường Mầm Non Ánh Sao - Trường mầm non quận bình thạnh Địa chỉ: 68 Đường Nguyễn Văn Đậu, Phường 6, Quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh ,Điện thoại: 0964888674 ( Ms Hà )